Những Điểm Mới Khi Viết Hoa Theo Nghị Định 30/2020/ NĐ-CP Vừa Có Hiệu Lực
Việc Chính phủ vừa ban hành Nghị định 30/2020/ NĐ-CP là rất cần thiết để mọi người nắm chắc được các quy định viết hoa khi sử dụng tiếng Việt hàng ngày.
Ngôn ngữ tiếng Việt của chúng ta rất phong phú, đa dạng và có phần phức tạp về từ vựng, ngữ pháp. Chính vì thế, người học tiếng Việt mà nắm được các quy định cơ bản trong hành văn thường phải mất một khoảng thời gian rất lâu.
Bởi vì chỉ cần nắm được các quy định viết hoa như thế nào cho đúng quy định cũng khiến cho nhiều người phải mất rất nhiều thời gian mà vẫn có những lúc viết không đúng, còn nhầm lẫn.
Chính vì thế mà ngay cả những thầy cô giáo dạy Ngữ văn hay những người thường xuyên viết lách cũng có những lúc lẫn lộn về vấn đề này. Việc Chính phủ vừa ban hành Nghị định 30/2020/ NĐ-CP là rất cần thiết để mọi người nắm chắc được các quy định viết hoa khi sử dụng tiếng Việt hàng ngày.
Viết đúng tiếng Việt sẽ làm giàu và đẹp thêm cho ngôn ngữ của dân tộc (Ảnh minh họa: VTV.vn)
Nghị định 30/2020/ NĐ-CP vừa ban hành có nhiều quy định viết hoa khác với Thông tư số 01/2011/TT-BNV trước đây.
So sánh Nghị định 30/2020/ NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 5/3/2020 thì chúng ta thấy nhiều điểm khác so với Thông tư số 01/2011/TT-BNV trước đây về những trường hợp bắt buộc phải viết hoa.
Nếu như trước đây, theo Thông tư số 01/2011/TT-BNV quy định phải viết hoa vì phép đặt câu trong các trường hợp sau dấu chấm lửng (...); sau dấu hai chấm (:); sau dấu hai chấm trong ngoặc kép (: “...”) và viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất của mệnh đề sau dấu chấm phẩy (;) và dấu phẩy (,) khi xuống dòng).
Giờ đây, Nghị định 30/2020/ NĐ-CP chỉ bắt buộc viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất của một câu hoàn chỉnh, đó là: Sau dấu chấm câu (.); sau dấu chấm hỏi (?); sau dấu chấm than (!) và khi xuống dòng.
Như vậy, chỉ khi dùng 4 loại dấu câu này thì người viết mới phải viết hoa, còn các dấu khác thì viết chữ cái đầu bình thường.
Đối với việc viết hoa tên địa lý cũng có một trường hợp khác so với trước. Nếu như trước đây, ở Thông tư số 01/2011/TT-BNV chỉ có một trường hợp viết hoa đặc biệt là Thủ đô Hà Nội thì giờ đây thêm cả Thành phố Hồ Chí Minh vào trường hợp viết hoa đặc biệt.
Như vậy, cũng đều chỉ một đơn vị hành chính nhưng Thủ đô Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh thì dù cụm từ này đứng ở cuối câu nhưng bắt buộc phải viết hoa chữ cái đầu của danh từ chung.
Nhưng, cũng chỉ một đơn vị hành chính khác thì ta lại không phải viết hoa chữ cái đầu danh từ chung như: thành phố Đà Nẵng, thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang (nếu cụm từ này đứng ở giữa hay cuối câu văn).
Vì thế, để tạo một thói quen trong khi viết hoa về các đơn vị hành chính ở nước ta thì người viết chú ý khi nhắc đến Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thì phải viết hoa chữ cái đầu danh từ chung.
Trong thực tế, việc viết hoa tên địa lý thường khiến cho người viết hay bị nhầm lẫn nhất.
Chẳng hạn, khi chúng ta viết về một địa danh của một thành phố, tỉnh, huyện nào đó vẫn thường kết hợp giữa một danh từ chung và một danh từ riêng thì chỉ cần viết hoa danh từ riêng mà thôi.
Ví dụ: thành phố Đà Nẵng, tỉnh Hòa Bình, quận Ngũ Hành Sơn,…
Nhưng khi chúng ta cũng viết về một đơn vị hành chính mà nó được cấu tạo giữa danh từ chung kết hợp với "chữ số, tên người, tên sự kiện lịch sử" thì cũng phải viết hoa chữ cái đầu danh từ chung.
Ví dụ: Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh, Phường Điện Biên Phủ,…
Ngoài sự khác biệt khi viết hoa vì phép đặt câu và viết hoa tên địa lý thì còn có thêm một số quy định khác ở Nghị định 30/2020/ NĐ-CP so với Thông tư số 01/2011/TT-BNV trước đây.
Theo Nghị định 30/2020/ NĐ-CP thì những danh từ thuộc trường hợp đặc biệt như: Nhân dân, Nhà nước thì phải viết hoa chữ “N”.
Khi viết tên các loại văn bản, trường hợp viện dẫn phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của một văn bản cụ thể thì viết hoa chữ cái đầu của phần, chương, mục, tiểu mục.
Ví dụ: Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 103 Mục 5 Chương XII Phần I của Bộ luật Hình sự (các từ “điểm, khoản” thì không viết hoa chữ cái đầu).
Trước đây, theo Thông tư số 01/2011/TT-BNV, trường hợp viện dẫn các điều, khoản, điểm của một văn bản cụ thể thì viết hoa chữ cái đầu của điều, khoản, điểm.
Ví dụ: Căn cứ vào Điểm a Khoản 2 Điều 103 Mục 5 Chương XII Phần I của Bộ luật Hình sự).
Bên cạnh những thay đổi đã được thể hiện phần trên, quy định mới tại Nghị định 30/2020/NĐ-CP cũng đã bỏ quy tắc bắt buộc viết hoa trong tên gọi các tôn giáo, giáo phái, ngày lễ tôn giáo trong các văn bản hành chính.
Còn các quy định viết hoa viết hoa tên người, tên địa lí nước ngoài, các cơ quan, tổ chức, các danh hiệu, giải thưởng, huân chương… thì cơ bản vẫn như hướng dẫn của Thông tư số 01/2011/TT-BNV của Bộ Nội vụ trước đây.
Theo Giáo Dục VN