6 kĩ năng giúp con tự tin hơn khi lên cấp 2 mà bố mẹ cần biết
Trước những thay đổi về môi trường học tập cũng như những xáo trộn về tâm sinh lí tuổi mới lớn, học sinh chuẩn bị vào cấp 2 rất cần được chuẩn bị các kỹ năng sau:
1. Ngủ đủ giấc và tự thức dậy đúng giờ
Thói quen tưởng chừng rất đơn giản này nhưng cũng cần phải rèn luyện một cách có hệ thống ngay từ trong giai đoạn mùa hè. Vào cấp 2, thời gian học tập thường bắt đầu sớm hơn so với lịch học cấp 1, số lượng tiết học nhiều hơn, thời lượng của từng tiết học cũng tăng lên 45 phút thay vì 35 phút như khối Tiểu học. Nếu các con không ngủ đủ giấc sẽ khó có thể đáp ứng được lịch học và sinh hoạt dày đặc của cấp THCS. Bên cạnh đó, việc tự thức dậy đúng giờ cũng vô cùng cần thiết để trẻ hình thành thói quen tự giác, không ỷ lại vào bố mẹ.
2. Tự giác và có trách nhiệm với việc học
Lên cấp học cao hơn, môi trường học thay đổi, phương pháp học và hình thức kiểm tra thay đổi. Nếu khi học cấp 1 con chỉ có 2 bài kiểm tra trong một học kỳ thì cấp 2 con sẽ phải “đối mặt” với các bài kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút, kiểm tra một tiết. Đồng thời, lượng kiến thức lớp 6 cũng nhiều hơn, khó hơn. Lúc này, học sinh cần có tính tự giác và có trách nhiệm nhiều hơn đối với việc học và sinh hoạt của mình. Bởi vậy phụ huynh hãy nhắc nhở và đồng hành cùng con trong giai đoạn đầu tạo bước chạy đà cho con chủ động trong việc học bài, làm bài ở nhà, nhẹ nhàng bước qua các bài kiểm tra.
3. Biết cách hợp tác, hỗ trợ và chia sẻ với người khác
Xã hội ngày càng phát triển, việc tổ chức làm việc theo nhóm ngày càng phổ biến để mỗi cá nhân phát huy tối đa khả năng của mình chung tay xây dựng và hoàn thành mục tiêu nhất định. Để làm việc nhóm đạt hiệu quả, các thành viên trong nhóm phải tự nhận thức việc làm của mình và biết cách phối hợp với đồng đội. Nhiều người trẻ đi làm chỉ biết làm phần việc được phân công, không bao giờ chủ động đóng góp ý kiến cho tập thể hay có tinh thần hợp tác làm việc nhóm, hỗ trợ người khác. Đó là hệ quả của việc khi còn nhỏ, trẻ không tham gia việc nhà, không giúp đỡ bố mẹ các công việc gia đình.
Khi lên lớp 6, trẻ sẽ có nhiều bạn mới hơn, các bài tập ở môi trường học tập hiện đại, tiên tiến thường yêu cầu học sinh tham gia dự án nhóm. Vậy nên, trẻ phải biết cách hoà đồng, phát huy khả năng của mình, tôn trọng ý kiến của các bạn khác, tận dụng sức mạnh tập thể để đat kết quả tốt.
Học sinh FPT Schools hoạt động dự án nhóm liên môn Toán - Lý - Tiếng Anh.
4. Quản lý cảm xúc
Cấp 2 là độ tuổi “ẩm ẩm ương ương” với những cảm xúc thay đổi thất thường. Trẻ thường có xu hướng nổi loạn, muốn thể hiện cá tính và có một cái tôi vô cùng mạnh mẽ. Do đó, các bạn học sinh cần được dạy để hiểu rõ hơn về vấn đề của chính mình để điểu chỉnh cảm xúc và biết cách làm chủ bản thân tránh khỏi những suy nghĩ và hành động tiêu cực. Phụ huynh và nhà trường nên theo dõi xem các con có đang bị “mắc kẹt” trong tư duy? Có đang tự phê phán không? để giúp đỡ trong việc kết nối suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của con.
5. Quản lý tài chính và trân trọng giá trị lao động
Kỹ năng này tưởng chừng như không liên quan đến các bạn học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, tuy nhiên, đây là hành trang không thể thiếu trong cuộc sống sau này. Hiện tại, khi các con còn nhỏ, với sự nuông chiều của bố mẹ thì việc duy nhất mà con phải làm đó là học và chơi. Khi con cần các chi phí như ăn quà vặt, mua quà tặng bạn...nhiều phụ huynh cũng khá dễ dãi trong việc chu cấp, thường là cho tiền ngay mà không hỏi rõ mục đích. Theo thói quen đó, trẻ sẽ trở nên thiếu tính tự lập, hay đòi hỏi, luôn muốn dựa dẫm vào người khác, không hiểu được giá trị của lao động, giá trị của đồng tiền.
Bởi vậy việc giáo dục con biết lao động và quý trọng thành quả lao động, nhận thức về giá trị của đồng tiền và việc tiết kiệm là rất cần thiết để giúp con tránh được những quan niệm sai lầm về tài chính, giúp con trở thành những người trưởng thành có trách nhiệm với các quyết định tài chính cũng như định hướng nghề nghiệp trong tương lai
6. Giải quyết vấn đề
Đây là kỹ năng rất cần được chú trọng đối với học sinh THCS. Kỹ năng này bao gồm các bước: phân tích, đưa ra các phương án giải quyết, lựa chọn, lên kế hoạch, thực hiện và tiến hành kiểm tra, đo lường kết quả đã đạt được. Nghe qua có vẻ phức tạp nhưng tại FPT Schools các con được học và thực hành kỹ năng này trong những giờ học từ đơn giản đến khó nhằn như một trò chơi trong buổi dã ngoại, một bài tập lập trình,...
Hiểu được tầm quan trọng của những kỹ năng này đối với sự phát triển và trưởng thành của trẻ, đặc biệt là đối với những học sinh chuyển cấp - từ là các anh chị lớn ở trường tiểu học trở thành các em nhỏ của trường trung học, trường Tiểu học và THCS FPT đã lồng ghép việc giáo dục kỹ năng sống tích cực cho học sinh vào các bài giảng và chương trình học trên lớp. Ngoài ra, trường cũng thường xuyên tổ chức các khóa học kỹ năng sống kéo dài từ 1- 2 ngày để học sinh được rèn luyện và bước đầu làm quen với môi trường học tập mới.
Dân trí