Dạy trẻ tự giác mà không cần la mắng
Âm nhạc, bài hát, bài thơ có thể giúp trẻ trong các lớp học theo phương pháp Steiner tự giác thực hiện nhiệm vụ mà không cần cô giáo yêu cầu hay quát mắng.
Trong giờ chơi tự do tại lớp Hoa Hồng (4-5 tuổi) của trường Mầm non Koi Steiner, Hà Nội, nhóm trẻ xếp bàn ghế thành xe đua, nhóm khác chơi búp bê trong lều, mấy bạn khác nấu ăn bằng vài mẩu gỗ.
Cô giáo vừa dọn đồ chơi vừa cất tiếng hát "Xanh xanh trời cao vút đám mây trôi nhẹ trôi/ Xum xuê vòm cây lá chú chim được chở che/ Trong veo hồ nước lớn cá kia nhẹ nhàng bơi/ Đồ chơi cũng muốn quay trở về nhà".
Một vài bạn nghe thấy tiếng hát của cô, dừng chơi và hát theo, rồi gần như cả lớp vừa hát vừa xếp ghế, cho những mẩu gỗ vào giỏ mây, cuộn mảnh khăn len lại, cho búp bê lên giá...
Cô Thu và các em nhỏ trong một giờ học tại trường mầm non Koi Steiner Hà Nội.
Cô giáo vỗ vai một vài bạn vẫn đang chơi, cất giọng nhẹ nhàng "Rửa tay rửa tay, rửa tay nào mình cùng rửa tay/ Xoa trên xoa dưới xoa đều hai bàn tay...". Lớp học đã trở nên gọn gàng trong khi các bạn nhỏ đi rửa tay, một vài bạn giúp thầy cô dọn đồ ăn ra bàn.
Xung quanh bàn ăn với những bát cơm đặt trên khăn ăn nhỏ màu hồng, lọ hoa thạch thảo tím, cô giáo và trẻ ngồi yên trên ghế, nắm tay nhau. Một khoảnh khắc tĩnh lặng trước khi cô giáo cất lời Bài hát giờ ăn, sau đó cả lớp cùng hát "Giờ ăn đã đến/ Mời bạn mời cô/ Mình cùng ăn ngon nhé/ Hương thơm của đất trời".
Trước khi ăn, các em nhỏ gửi lời cảm ơn thầy cô và các bạn đã dọn bàn, bày khăn, lấy nước chấm... Giờ ăn diễn ra vui vẻ, cả lớp hoàn thành phần ăn của mình rồi tự mang bát đi rửa, vài bạn ngỏ ý rửa bát giúp cô giáo.
Sự chuyển tiếp hoạt động mượt mà, giờ ăn hạnh phúc và không vội vã là hình ảnh thường thấy trong các lớp học theo phương pháp giáo dục Steiner (Waldorf). Bí mật đằng sau giờ dọn dẹp, giờ ăn không tiếng hò hét, nhắc nhở của giáo viên chính là nhịp điệu.
Cô giáo Dương Thị Thu, giáo viên được đào tạo theo phương pháp Steiner, cho biết nhịp điệu là một phần quan trọng trong việc xây dựng môi trường lớp học, là sự lặp đi lặp lại của các hoạt động một cách hài hòa và nhịp nhàng.
Ở các trường mầm non và tiểu học Steiner, nhịp điệu thể hiện qua lễ hội truyền thống theo mùa, theo văn hóa bản địa, trong tuần và trong ngày. Các ngày trong tuần có những hoạt động khác nhau, lặp đi lặp lại, chẳng hạn thứ hai vẽ màu nước, thứ ba nặn sáp ong, thứ tư làm vườn, thứ tư làm bánh và thứ sáu dọn dẹp.
Tính nhịp điệu trong một ngày cũng được thể hiện rõ, qua các hoạt động lặp lại, được thiết kế hài hòa giữa hoạt động tĩnh và động, tự do và có hướng dẫn của giáo viên.
Buổi sáng, khi bắt đầu ngày mới, lớp học sẽ thiên về các hoạt động mang tính đầu óc, thu nạp kiến thức mới. Trong khi đó, buổi chiều có tính nghỉ ngơi, nuôi dưỡng và sáng tạo sẽ dành cho các hoạt động nghệ thuật và thủ công.
Khi hoạt động lặp đi lặp lại như vậy thường xuyên, trẻ em sẽ đoán biết được những gì xảy ra, đón nhận và nương theo nhịp điệu một cách tự nhiên mà không cần người lớn nhắc nhở. Trong lớp học mầm non, các bài hát thường được sử dụng để chuyển tiếp và khởi đầu hoạt động, khiến việc luân chuyển hoạt động diễn ra nhẹ nhàng, vui tươi và êm ái.
Các em nhỏ trong giờ chơi tự do ở lớp Hoa hồng của trường Mầm non Koi Steiner, Hà Nội.
Cô Thu cho hay trong giáo dục Steiner, việc xây dựng và duy trì nhịp điệu cho trẻ em đặc biệt quan trọng. Trẻ cần được đảm bảo nhịp điệu sinh hoạt để cảm thấy an toàn và ổn định trong quá trình phát triển.
Nếu nhịp điệu sinh hoạt này bị đảo lộn, trẻ sẽ cảm thấy bất ổn, rối trí, mông lung, không biết sắp tới sẽ làm gì. "Năng lượng đáng lẽ cần dùng để phát triển cơ thể vật lý lành mạnh nay phải dùng vào việc xử lí những bất ổn trong tâm lý sẽ khiến cho đứa trẻ mệt mỏi, thiếu cân bằng và ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành của trẻ", cô Thu nói.
Theo cô Thu, có thể phần nào nhận ra nhịp điệu trong gia đình qua biểu hiện của trẻ vào buổi sáng đến lớp học. Khi gia đình có nhịp điệu ăn, ngủ, nghỉ lành mạnh, trẻ em khi đến trường sẽ tự lập, khỏe khoắn, dễ ăn dễ ngủ. Ngược lại, khi nhịp điệu ở gia đình có sự xáo trộn, chẳng hạn có nhiều hoạt động kích thích vào buổi tối, ngủ muộn, buổi sáng trẻ sẽ cáu gắt, mệt mỏi, uể oải, không tích cực tham gia hoạt động ở lớp.
Để mang nhịp điệu trong giáo dục Steiner vào đời sống gia đình, cô Thu gợi ý bố mẹ có thể dựa vào tình hình thực tế của nhà mình, xem xét những hoạt động chính diễn ra trong ngày như chuẩn bị đi học buổi sáng, sau khi đi học về, bữa tối, giờ đi ngủ...
Phụ huynh có thể chọn hoạt động, khoảng thời gian nào đó đang có những bất cập, muốn cải thiện để lành mạnh hơn, mang tính nhịp điệu hơn. Với nhịp điệu buổi tối, sau giờ ăn, bố mẹ không nên để trẻ vận động mạnh, thay vào đó là hoạt động nhẹ nhàng, cơ thể nghỉ ngơi để tiêu hóa, đồng thời chuẩn bị cho giấc ngủ.
Nghi thức giờ đi ngủ có thể là đánh răng, đọc truyện, 20 - 21h tắt đèn, thắp nến hoặc bật đèn ngủ nhẹ nhàng để đánh dấu thời gian ngủ đã đến...
Muốn thiết lập nhịp điệu giờ đi ngủ, trước tiên bố mẹ cần thống nhất về giờ đi ngủ, sắp xếp lại lịch trình công việc gia đình để có thể đi ngủ đúng giờ dự kiến. Sau khi đồng thuận về giờ giấc, nghi thức giờ đi ngủ, bố mẹ cần thực hiện kiên trì hàng ngày một cách nhất quán, trong thời gian dài để tạo thành thói quen cho trẻ.
Cô Thu lưu ý, việc bố mẹ quát mắng, thúc giục con một cách căng thẳng để con dọn đồ chơi, đi ngủ... sẽ không hiệu quả. Thái độ giao tiếp ôn hòa, dứt khoát nhưng không áp đặt khiến trẻ dễ lắng nghe và tiếp nhận lời nói của bố mẹ hơn.
Đối với trẻ mầm non, để mang đến nhịp điệu vào các hoạt động trong ngày như dọn đồ chơi, đánh răng trước khi đi ngủ, rửa tay trước khi ăn... thời gian đầu bố mẹ cần theo sát và thực hiện cùng con.
Phụ huynh có thể cùng con hát bài đánh răng, cùng thực hiện các thao tác với con mỗi tối trước khi ngủ. Bố mẹ vừa hát vừa làm mẫu, con có thể chưa thực hiện ngay nhưng sẽ dần làm theo.
Thay vì hò hét, nhắc nhở, phụ huynh có con nhỏ nên thử đưa các bài hát, thơ, vè... vào cuộc sống hàng ngày, bởi trẻ nhỏ dễ dàng lắng nghe, cảm nhận và yêu thích tính nhạc, sự êm dịu, tươi vui và lạc quan trong các bài hát, bài thơ.
VnExpress