Khen Thưởng Trẻ Thế Nào Cho Đúng?
Khi muốn trẻ nghe lời tại nơi công cộng, việc lấy phần thưởng ra dụ dỗ có thể làm hư, khiến trẻ hành động có mục đích và vòi vĩnh hơn.
Nếu muốn trẻ thường xuyên nghe lời, làm việc tốt, bạn có thể áp dụng một chiến lược phổ biến là khen thưởng. Việc này khuyến khích sửa đổi hành vi theo hướng tích cực.
Tiến sĩ Katarzyna Bisaga, bác sĩ tâm thần học, chuyên nghiên cứu trẻ em và vị thành niên, Đại học Columbia tại New York, cho biết khi nhấn mạnh vào hành vi tích cực, lòng tự trọng dần hình thành trong trẻ.
Khi con trai của tiến sĩ Bisaga, bé Marcin, lên 7 tuổi, cô đã rất vất vả để chuẩn bị cho cậu bé đi học mỗi sáng. Để giải quyết việc này, cô xây dựng hệ thống điểm cộng cho mỗi việc Marcin làm tốt.
Chẳng hạn, vào buổi sáng, em được cộng điểm nếu tự mặc quần áo, đánh răng và ăn sáng. Khi đi học vệ, nếu tự cất áo khoác và giày dép, em cũng có điểm cộng. Tiến sĩ Bisaga sẽ tổng kết tổng điểm vào cuối tuần và thưởng Marcin ba xu cho 10 điểm. Những xu này dùng để mua đồ chơi nên Marcin rất hào hứng.
Ảnh: Essential Baby
Với trẻ nhỏ, thay vì cộng điểm như tiến sĩ Bisaga, bạn có thể dùng các công cụ khác như phát hình dán, nam châm... để đếm việc làm tốt, sau đó quy đổi 10 hình dán được một quyển truyện hay món đồ chơi mới. Các chuyên gia đã xây dựng một số điểm chú ý khi bạn xây dựng quy tắc khen thưởng cho trẻ mẫu giáo.
Thưởng ngay sau việc làm tốt
Để trẻ không nhầm lẫn, bạn nên cộng điểm hoặc phát hình dán ngay sau khi làm được việc tốt. Nếu dồn đến cuối ngày, trẻ có thể quên những gì đã xảy ra và vì sao được thưởng. Việc phát ngay phần thưởng cũng giúp trẻ vui và ghi nhớ việc làm tốt lâu hơn.
Tập trung vào một số hành vi
Khi mới bắt đầu xây dựng hệ thống phần thưởng, bạn nên tập trung vào một vài hành động cụ thể, trong một khoảng thời gian. Chẳng hạn tiến sĩ Bisaga lựa chọn lúc con trai chuẩn bị đi học và tan học để cộng điểm cho một số hành động.
Việc này giúp bạn và trẻ dễ dàng ghi nhớ và làm tốt nhiệm vụ của mình, đồng thời không biến cuộc sống, mối quan hệ giữa hai bên thành dạng trao đổi, có lợi ích. Bạn cần nhớ, cái gì quá cũng không tốt nên cần chọn ra những hành động phù hợp với lứa tuổi và tránh khen thưởng tràn lan.
Khen ngợi nhiều
Thay vì lúc nào cũng có sự trao đổi bằng những phần thưởng, bạn có thể khen trẻ. Việc thường xuyên khen ngợi khi hoàn thành mục tiêu sẽ khuyến khích trẻ làm tốt hơn trong những lần tiếp theo, đồng thời duy trì sự hưng phấn.
Sử dụng từ ngữ đơn giản
Với trẻ mẫu giáo, bạn không nên nói vòng vo hoặc dùng từ ngữ quá phức tạp. Thay vì nói "mẹ thưởng vì con biết tỏ lòng biết ơn với những gì mình nhận được", bạn chỉ cần ngắn gọn "con được thưởng vì biết nói làm ơn và xin lỗi". Tiếp thu những câu đơn giản sẽ dễ dàng với trẻ hơn.
Đừng hối lộ
Ngay cả khi muốn trẻ ngoan ngoãn, không mè nheo ở nơi công cộng, bạn cũng không nên sử dụng hệ thống khen thưởng để hối lộ, dụ dỗ. Như quy tắc đầu tiên, việc khen thưởng chỉ nên tập trung vào một số hành vi nhất định, không nên triển khai tràn lan.
Khi đó, trẻ sẽ hành động có chủ đích và biết rằng chỉ cần mè nheo và tự kết thúc, mình sẽ có phần thưởng. Ngoài ra, việc này cũng giúp bạn không bước qua ranh giới của việc khen thưởng đúng đắn với nuông chiều quá mức.
Vnexpress