Lớp Học Trên Cây: Nơi Trẻ Em Trò Chuyện Về Triết Học
Với cảm hứng từ “Nam tước trên cây”, một cuốn sách khơi gợi nhiều ý tưởng triết học sâu sắc của nhà văn Ý Italo Cavino, một lớp học về triết học cho trẻ em đã được mở ra để sẵn sàng hồi đáp một cách nghiêm túc những câu hỏi tò mò về thế giới xung quanh và hơn nữa, hướng tới việc giúp các em hình thành tư duy phản biện.
Với tên gọi lấy cảm hứng từ câu truyện về chàng nam tước Cosimo trèo lên cây và ngắm nhìn cuộc sống, Lớp học Trên cây kỳ vọng có thể trở thành một nơi giúp các em “có một khoảng cách đủ xa trước cuộc sống” để cùng quan sát và suy ngẫm về những vấn đề tưởng chừng như đã quen thuộc dưới một góc nhìn khác, đa chiều và mới mẻ hơn. Ảnh: NVCC
Lớp học ấy có tên “Lớp học Trên cây” dành cho các bạn nhỏ từ 6-11 tuổi của ba cô giáo trẻ Thanh Nguyệt (từng là giáo viên Ngữ văn tại THPT Chu Văn An, Hà Nội), Diệu Hoa (giáo viên Ngữ văn của một trường tư thục tại Hà Nội) và Hương Giang (giáo viên Ngữ văn của một trường tư thục tại TP.HCM).
Khác với những lớp học thông thường khác, không gian lớp học này vô cùng đặc biệt. Không có bàn ghế hay bục giảng, bảng đen, trong căn phòng ấm áp tràn ngập ánh sáng từ những ô cửa sổ, xen lẫn với những giá sách gỗ đầy ắp sách thiếu nhi và những chậu cây xinh xinh, các bạn nhỏ sẽ ngồi thành một vòng tròn để dễ dàng quan sát thái độ, cử chỉ của nhau và cùng nhau thảo luận. Trong vòng tròn ấy, từng bạn sẽ được phân chia các vai trò cụ thể: có bạn Thủ lĩnh là người trao quyền phát biểu cho các bạn khác dựa trên những nguyên tắc đã thống nhất. Bạn Nhắc nhở thì có nhiệm vụ trình bày một cách súc tích và dễ hiểu quan điểm của những bạn khác khi được người điều phối hoặc bạn thủ lĩnh yêu cầu. Bạn Thư kí thì tỉ mỉ ghi chép phát biểu của mọi người để trình bày bản tổng kết vào cuối cuộc trò chuyện. Còn bạn Quan sát sẽ là người chăm chú theo dõi mức độ tham gia và thái độ tranh luận của tất cả mọi người để đưa ra nhận xét vào cuối buổi học. Tất cả các bạn còn lại sẽ là những Triết gia tập sự, cùng nhau xây dựng nội dung của buổi trò chuyện thông qua những câu trả lời, những câu hỏi đặt ra cho các bạn khác để phản biện quan điểm hay xác minh lại cách hiểu của mình.
“Triết học không chỉ trang bị cho trẻ khả năng chất vấn, lập luận, phản biện, tư duy độc lập, chia sẻ quan điểm với người khác thông qua đối thoại, mà còn giúp các em vững vàng và tự do quyết định cuộc sống của mình, cũng như đủ can đảm chống lại những mệnh lệnh thao túng của người khác”, những người sáng lập dự án cho biết.
Tạo dựng không gian thảo luận cởi mở
Ý tưởng về lớp học đã được nhen nhóm từ khi ba cô giáo trẻ còn là sinh viên Khoa Ngữ văn tại Đại học Sư phạm Hà Nội. “Gặp nhau” ở quan điểm về giáo dục, song ban đầu, những người sáng lập chưa hề nghĩ đến việc sẽ xây dựng một lớp triết học cho trẻ em mà chỉ thầm mong ước: một ngày nào đó, họ sẽ cùng nhau tạo nên một không gian học tập thật sự cởi mở - nơi vai trò của các thành viên trong lớp bình đẳng như nhau và trẻ em được tự do nói lên suy nghĩ của mình. Sau khi trải qua quá trình tiếp xúc và giảng dạy từ bậc tiểu học đến bậc phổ thông, ba cô giáo càng nhận thấy sự cần thiết của việc kích hoạt trí tò mò và khuyến khích các em hình thành tư duy phản biện, điều mà giáo dục truyền thống tại trường học ở Việt Nam chưa thực sự làm được. Bởi vậy, khi Hương Giang đi du học cao học ngành Khoa học Giáo dục tại Đại học Paris V (Pháp) và có cơ hội nghiên cứu sâu về giáo dục triết học cho trẻ em, cả nhóm nhận thấy rằng: đây chính là một mô hình phù hợp để biến ý tưởng về không gian học tập cởi mở đã ấp ủ nhiều năm của mình thành hiện thực.
Bức tranh của một bạn nhỏ trong buổi trò chuyện về cảm xúc. Ở lớp học này, song hành cùng việc thảo luận, các bé sẽ được tham gia các hoạt động liên quan đến nghệ thuật và sáng tạo như nghe nhạc, vẽ tranh, đóng kịch tương tác để vận dụng và phối hợp các giác quan của cơ thể. Ảnh: NVCC
Dù có ý nghĩa như thế, nhưng với một môn học vốn bị coi là hàn lâm, khó hiểu, thậm chí còn có phần hơi “đáng sợ” ngay cả với người lớn ở Việt Nam, họ đã thấy điều gì ở triết học phù hợp cho việc giảng dạy cho trẻ nhỏ? Ngay khi bắt tay vào thực hiện ý tưởng, nhóm đã gặp phải những câu hỏi nghi ngại như vậy không ít lần. “Nhiều người nói rằng, triết học khó thế làm sao trẻ em có thể hiểu được mà dạy? Nhưng thực ra, dù vẫn làm việc trên các khái niệm, nhưng triết học cho trẻ em sẽ tiếp cận từ một góc độ khác, giáo viên sẽ không thao giảng về các học thuyết, chủ nghĩa mang tính lí thuyết gây nhàm chán cho trẻ, mà sẽ bắt đầu từ những câu hỏi quen thuộc về bản thân mỗi người - những điều nguyên thuỷ nhất của triết học”, Hương Giang chia sẻ, “Trẻ em lại chính là những người có sự tò mò bản năng và đặt ra những câu hỏi một cách hồn nhiên nhất”. Nhóm cũng nhấn mạnh, lớp triết học cho trẻ sẽ không phải là nơi dạy triết mà là không gian để gợi mở những cuộc thảo luận mang tính triết học và nuôi dưỡng bản năng ngạc nhiên, thắc mắc của các em.
Những mô hình trò chuyện vẫn được diễn ra ở lớp học Trên Cây dù còn xa lạ ở Việt Nam nhưng thực tế đã xuất hiện khá lâu trên thế giới và đến nay, triết học cho trẻ em được áp dụng giảng dạy ở 74 quốc gia và vẫn tiếp tục được các nhà giáo dục thử nghiệm ở nhiều môi trường khác nhau trên thế giới. Ở châu Á, phương pháp tiếp cận này có mặt tương đối muộn nhưng hiện cũng đang được thực hành ở một số nước như: Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc,...
Bởi vậy, sau khi được tìm hiểu kĩ lưỡng và đánh giá tính khả thi, lớp học Trên Cây với mô hình trò chuyện hỏi-đáp về triết học dành cho trẻ em - một không gian lí tưởng để các em được cùng suy tư và cất lên tiếng nói của mình một cách hồn nhiên - đã ra đời vào mùa hè 2019, nhằm “khơi dậy và nuôi dưỡng những tìm kiếm bất tận về bản chất và ý nghĩa cuộc sống thông qua các câu hỏi của trẻ em, giúp em nhận ra những thắc mắc của em luôn được lắng nghe, những nghĩ suy của em đều có giá trị riêng và em được học cách chia sẻ quan điểm với người khác thông qua đối thoại”.
Để tìm ra phương pháp cũng như nội dung bài học phù hợp, ba cô giáo trẻ đã phải dày công nghiên cứu và tham khảo các tài liệu, giáo trình về thực hành triết học cho trẻ em ở Pháp và Mỹ - hai quốc gia có nền giáo dục rất coi trọng triết học – cũng như cân nhắc kinh nghiệm triển khai ở nhiều quốc gia khác. Trong quá trình tìm hiểu, bên cạnh việc chọn ra một phương pháp phù hợp, nhóm cũng lưu tâm tới việc chọn lọc và phát triển các chủ đề trò chuyện sao cho chúng thực sự gần gũi với trải nghiệm của trẻ em Việt Nam. “Sự khác biệt văn hoá giữa các quốc gia, đặc trưng của từng nền giáo dục và trải nghiệm cá nhân của mỗi bạn nhỏ là những yếu tố khiến cho việc áp dụng nguyên những chương trình này sẽ gặp nhiều rào cản. Do đó, chúng mình nhận thấy để đưa đến một chương trình dành riêng cho các bạn nhỏ Việt Nam, buộc phải có những điều chỉnh nhất định.”, Thanh Nguyệt cho biết.
Một trong những điểm mấu chốt giúp các bạn nhỏ có thể tham gia trò chuyện triết học tại Lớp học Trên Cây là việc họ áp dụng phương pháp tiếp cận từ mô hình “Cộng đồng giải quyết vấn đề” của Matthew Lipman - giáo sư giảng dạy triết học tại Đại học Colombia, và mô hình “Thảo luận mang tính dân chủ và triết học” của Michel Tozzi - những mô hình được triển khai lâu đời và phổ biến trong giảng dạy triết học cho trẻ em trên thế giới. “Với phương pháp này, giáo viên sẽ chỉ là người điều phối, phân chia các vai trò, đặt ra các câu hỏi và không can thiệp sâu vào cuộc thảo luận giữa các học sinh”, nhóm cho hay. Giống như Socrates xem mình là một “bà đỡ” về mặt tư tưởng hơn là một triết gia truyền thụ triết lí cho các thanh niên ở Athena, các cô giáo ở lớp học Trên Cây cũng nhìn nhận mình chỉ là các “cô thợ xây” - những người đặt từng viên gạch, mảnh gỗ để hình thành một không gian cho trẻ em suy tư, tự do suy nghĩ và tìm kiếm lời giải cho các câu hỏi bất tận.
Một hoạt động tại lớp học. Ảnh: NVCC
Chẳng hạn, chuỗi thảo luận “Mùa hè số 1” được thiết kế xoay quanh 6 câu hỏi tương ứng 6 chủ đề để các “Triết gia mầm cây” cùng nhau chia sẻ, thảo luận trong 6 buổi học. Những chủ đề này không hề xa lạ hay khó hiểu mà đều xoay quanh “em” và những trải nghiệm của “em” khi lớn lên và giao tiếp với thế giới: Em là ai? Cơn giận đến từ đâu? Nỗi sợ là gì thế? Ý nghĩa của tự do là gì? Làm thế nào để chung sống cùng nhau? Có phải Trái đất này là của con người? “Thông qua mạch trò chuyện này, bài học đầu tiên mà chúng mình mong muốn các bé cảm nhận được là nhận thức về bản thân mình, rồi từ đó mở rộng ra nhận thức về những cảm xúc gần gũi mà các em sẽ đối mặt hằng ngày như buồn, vui, tức giận, sợ hãi; mối quan hệ với bạn bè và những người xung quanh; khái niệm về tự do, về cách cùng hợp tác; và cuối cùng là những chủ đề lớn hơn như không gian, môi trường và trái đất”, các cô giáo lý giải. Bên cạnh đó, các chủ đề trò chuyện sẽ không lặp lại mà được làm mới theo từng năm.
Mỗi buổi học của lớp Trên Cây sẽ bắt đầu bằng những câu hỏi và khép lại bằng câu trả lời của mỗi bạn. “Không có kết luận đúng sai nào được đưa ra cũng như không có câu trả lời hoàn tất, mỗi bạn nhỏ khi tham gia vào Vòng tròn Trên Cây sẽ hình dung ra rằng: À, hoá ra khái niệm này lại có nhiều cách hiểu đến vậy và mỗi người sẽ có một đáp án của riêng mình. Khi các bạn nhỏ được “va đập” với rất nhiều cách ứng xử và những câu trả lời khác nhau, các bạn ấy sẽ tìm ra được một cách ứng xử phù hợp cho riêng mình trước mỗi vấn đề trong cuộc sống”, Thanh Nguyệt giải thích.
“Chúng mình mong muốn phá vỡ mô hình của lớp học truyền thống để tạo dựng một tâm lí thoải mái, bình đẳng và kích thích trẻ em tham gia trò chuyện”, nhóm giải thích, “bằng cách phân chia cụ thể các vai trò, các cô thợ xây hi vọng có thể phát huy tối đa khía cạnh dân chủ trong một cuộc thảo luận. Khi mỗi bạn nhỏ tham gia vào vòng tròn ý thức được quyền, nhiệm vụ và giới hạn đi kèm của mình, các bạn ấy sẽ có thể lựa chọn và thực hiện được tốt nhất vai trò đó”, Hương Giang nhấn mạnh. Bởi vậy, lớp học không chỉ hướng đến việc để trẻ “tự do nói ra điều mình nghĩ mà sẽ nghĩ thật sâu những điều mình chuẩn bị nói”, cũng như biết cách đặt vấn đề, lắng nghe và trao đổi ý kiến cùng các bạn khác.
Triết học không nhàm chán
Có lẽ bởi lớp học Trên Cây định nghĩa về triết học một cách giản đơn như bản chất tên gọi của nó trong tiếng Hy Lạp cổ: niềm yêu thích sự hiểu biết, điều thú vị và bất ngờ là những phản hồi của các bạn nhỏ và phụ huynh sau khóa học trái ngược hoàn toàn với những gì mà không ít chúng ta từng tưởng tượng về triết học. Thay vì cảm thấy khô khan hay nhàm chán, trong những buổi trò chuyện triết học ấy, các bé hầu như rất cởi mở và hào hứng, thậm chí còn “tranh nhau” nói khiến các cô giáo phải “đau đầu” tìm cách dàn xếp. “Việc giảng dạy ở lớp học này thậm chí còn vui vẻ và dễ dàng hơn nhiều so với các lớp học khác bởi những suy nghĩ, câu hỏi của các bạn ấy đưa ra đôi khi còn vượt ra ngoài những rào cản mà người lớn chúng ta hay tự bó buộc chính mình”, Diệu Hoa chia sẻ.
Các bạn nhỏ được tự do thể hiện ý tưởng của mình trong các hoạt động sáng tạo. Ảnh: NVCC
Là một trong những dự án hiếm hoi đưa trẻ em đến với triết học, Trên Cây có lẽ bước đầu đã đem đến cho các em một trải nghiệm mới mẻ. Chị Hồng Minh, mẹ của bé Mây tham gia khóa đầu tiên cho biết, “có những câu hỏi mà một đứa trẻ khoảng 5, 6 tuổi đã bắt đầu đặt ra cho bố mẹ nhưng không phải ai cũng đủ thời gian, kiến thức và sự kiên nhẫn để đưa ra được lời giải thích thỏa đáng cho chúng. Tôi nghĩ Lớp học trên Cây đã ra đời đúng thời điểm mà bản thân tôi tìm kiếm một nơi có hoạt động tương tự cho con mình. Cảm nhận rõ nhất sau khóa học là bạn ấy vui, vì được tự do nói ra suy nghĩ của bản thân. Nhờ thế mà cũng có vẻ tự tin hơn không chỉ khi tranh luận với bố mẹ về những vấn đề đã được bày tỏ trên lớp mà cả lúc phải nói trước đông người”. Còn với chị Kim Ngọc, mẹ của một bạn nhỏ 6 tuổi, chị rất bất ngờ khi thấy bé vô cùng vui vẻ và háo hức khi tới lớp, dù trước đó bé có tính cách khá rụt rè và thường cần một khoảng thời gian để làm quen với môi trường mới: “Có những hoạt động sáng tạo ở lớp đã đem lại cho bạn ấy sự thích thú và để lại ấn tượng đến tận bây giờ. Sau khóa học bé cũng biết cách đặt câu hỏi hơn mỗi khi lắng nghe những câu chuyện từ người lớn”.
Việc giảng dạy triết học ở lớp học Trên Cây thậm chí còn vui vẻ và dễ dàng hơn so với các lớp học khác bởi những suy nghĩ, câu hỏi của các bạn ấy đưa ra đôi khi còn vượt ra ngoài những rào cản mà người lớn chúng ta hay tự bó buộc chính mình.
Những phản hồi tích cực như vậy đã tiếp thêm nguồn động lực to lớn cho nhóm trong những bước phát triển tiếp theo của dự án, bởi ban đầu, điều khiến các cô băn khoăn nhất là liệu mô hình này có phù hợp với học sinh Việt Nam hay không, và làm thế nào để đưa khái niệm triết học đến gần hơn với các bạn nhỏ và phụ huynh ở nước ta.
Về tầm nhìn xa, nhóm hướng đến bốn mục tiêu của giáo dục hiện đại. “Thứ nhất là tư duy phản biện - điều mà văn hóa giáo dục hiện tại của các trường ở Việt Nam chưa thực sự khuyến khích. Thông qua việc trò chuyện triết học, lớp mong muốn sẽ giúp cho trẻ em hình thành tư duy, có thể
phản biện một cách có cơ sở và phản biện để thuyết phục được người khác. Thứ hai là tinh thần hợp tác, để tự do của mình không làm ảnh hưởng đến tự do của người khác. Thứ ba là vấn đề giao tiếp, để trẻ hình thành được suy nghĩ, nói và viết ra quan điểm của minh. Và cuối cùng là khả năng sáng tạo - một trong những kỹ năng quan trọng nhất của thế kỷ 21”, các cô thợ xây cho biết.
Một khóa học với 6 buổi ngắn ngủi hẳn chưa thể đạt được tất cả những mục tiêu lâu dài trên - Thanh Nguyệt thẳng thắn chia sẻ, “nhưng chúng mình hi vọng rằng sẽ có thể đặt được những viên gạch đầu tiên để ít nhất các bạn nhỏ có thể được tự do với những suy nghĩ của chính mình, và dần dần, bắt đầu từ những nền tảng nhận thức về bản thân và người khác, các em sẽ có khả năng tư duy tự chủ, trở thành những con người độc lập và có thể cùng chung sống với mọi người xung quanh sau này”.
Những phương pháp tiếp cận triết học như của lớp học Trên Cây cũng có thể là một gợi ý để đổi mới cách thức giảng dạy của các môn học truyền thống. “Ở một số nước như Pháp hoặc Canada, người ta cũng đã áp dụng phương pháp này để đổi mới giờ học giáo dục công dân - vốn là một giờ học mà cách thức truyền thống bị coi là vô cùng nhàm chán”, Hương Giang cho biết.
“Bây giờ mảng phát triển con người trong các trường học đang ngày càng được quan tâm nhiều hơn, gần như chúng ta sẽ nhìn thấy bóng dáng của những cuộc trò chuyện này ở đâu đó trong những ngôi trường tư thục và kể cả những ngôi trường công lập. Dẫu sao, nhu cầu được trò chuyện và chia sẻ ý kiến vẫn là điều luôn có sẵn ở mỗi học sinh. Bởi vậy, nhóm cũng mong đợi có thể lan tỏa tinh thần này, để không chỉ trong công việc giáo dục của chúng mình mà ở nơi nào đó khác nữa, mọi người cũng sẽ có cách thức làm việc như vậy với con trẻ”, Diệu Hoa hi vọng.
Khoahocphattrien